Bão số 3 Sơn Tinh

Bão số 3 Sơn Tinh

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, sau khi đi vào phía Bắc Biển Đông, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão, cơn bão số 3 năm 2018 có tên quốc tế là Sơn Tinh.
 

  • Bão số 3 đang trên vùng biển Nghệ An đến Quảng Bình
  • ĐỒ HỌA: Cơn bão số 3 di chuyển nhanh vào vùng biển Vịnh Bắc Bộ

 Cảnh báo lũ quét, sạt lở đất
Theo bản tin phát lúc 16 giờ của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện nay: Trên khu vực tỉnh Hòa Bình, nam Sơn La tiếp tục có mưa rất to. Quan sát ảnh mây vệ tinh và radar có một vùng mây đối lưu tiếp tục phát triển trên khu vực này. Lượng mưa đo được từ 13h-15h tại Kim Tiến (Hòa Bình): 113mm; Xuân Phong (Cao Phong) 107,4mm; Thanh Hà (Lạc Thủy) 105,4mm; Nam Phong (Cao Phong) 68,6 mm; Nuông Dăm (Kim Bôi) 57.6mm.
Nhận định trong 3h tới khu vực tỉnh Hòa Bình, Sơn La tiếp tục có mưa to với tổng lượng mưa khoảng 40 – 60mm.
Cảnh báo: Trong 3-6 giờ tới, sạt lở đất và lũ quét có nguy cơ cao xảy ra ở các huyện thuộc tỉnh Hòa Bình như: Mai Châu, Kim Bôi, Đà Bắc, Tân Lạc, Cao Phong, Kỳ Sơn, Lạc Thủy, Yên Thủy, Lạc Sơn, Lương Sơn; các huyện thuộc khu vực nam Sơn La như: Mường La, Mai Sơn, Bắc Yên, Phù Yên, Yên Châu, Mộc Châu, Sông Mã, Sốp Cộp.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 2.
Bão vừa tan, Cửa Lò nhộn nhịp trở lại 
Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN, tại bãi biển Cửa Lò (tỉnh Nghệ An), vào 9 giờ ngày 19/7, thời tiết hửng nắng, khô ráo, hoạt động du lịch đã nhộn nhịp trở lại. Đông đảo du khách đã xuống tắm biển và tham gia các hoạt động vui chơi trên biển. Các nhà hàng kinh doanh dọc bãi biển được quét đọn, sửa sang để đón khách du lịch.
Ngay sau khi bão tan, du khách đã đổ ra bãi tắm Cửa Lò để tắm biển, vui chơi. Nhiều du khách tỏ ra khá thích thú với thời tiết sau bão. Để đảm bảo an toàn cho du khách, các nhân viên cứu hộ cùng phương tiện luôn túc trực ở vùng nước giới hạn tắm biển, nhắc nhở khách du lịch không ra ngoài xa tắm biển.
Các chủ cửa hàng kinh doanh ăn uống, dịch vụ du lịch dọc bãi biển cũng đã mở cửa trở lại. Hầu hết các cửa hàng đã dọn dẹp, sắp xếp lại bàn ghế, vệ sinh môi trường để phục vụ du khách.
Tại các khách sạn ở Cửa Lò, bão số 3 cũng không gây ảnh hưởng về hạ tầng cơ sở nên lượng khách vẫn được duy trì theo đúng thời gian lưu trú. Ghi nhận tại khách sạn Mường Thanh – Cửa Lò trên đường Bình Minh, khách lưu trú ở đây rất đông. Một quản lý của khách sạn này cho biết, khách sạn đảm bảo an toàn cho du khách trong thời gian lưu trú khi bão đổ bộ. Sau khi bão tan, khách sạn vẫn hoạt động bình thường, đảm bảo yêu cầu về du lịch an toàn, vui chơi cho du khách.

Thanh Hóa “kê” thiệt hại
Do chủ động ứng phó với bão số 3, tỉnh Thanh Hóa đã giảm tối đa thiệt hại và không có người bị chết do bão lụt.
Mưa lớn khiến 465 hộ dân, 16 điểm dân cư bị ngập, 6 ngôi nhà bị đổ sập và hư hỏng nặng. Nhiều tuyến đường giao thông lớn bị sạt lở ta luy, như: Quốc lộ 15C, Quốc lộ 217, đường tỉnh 114 (từ Cầu Thiều đi Thượng Ninh), đường tỉnh 512D (từ thị trấn Mường Lát đi xã Mường Lý) bị sạt ta luy ở nhiều điểm. Tại thành phố Thanh Hóa có nhiều cây bị đổ gãy làm đứt đường dây điện…
Về nông nghiệp, theo thống kê đến 10 giờ ngày 19/7 đã có 365 ha lúa bị ngập trắng; 9.212 ha lúa bị ngập phất phơ; trên 1.500 ha ao nuôi trồng thủy sản bị ngập; 200 con gia cầm chết; 2 đập bị hư hỏng…
Quảng Ninh
Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh) Nguyễn Công Quyền cho biết, mưa lớn trên địa bàn huyện diễn ra từ đêm 18/7 kèm theo gió giật mạnh khiến một cột điện bị đổ, 8 giờ ngày 19/7 toàn huyện mất điện.
Tại huyện Ba Chẽ, nước lũ đang dâng cao gây ngập lụt các cầu tràn và điểm thấp trũng. Trên tỉnh lộ 330 có hơn 10 điểm ngập lụt, trong đó cầu Khe Cát, xã Thanh Sơn bị ngập sâu hơn 1m. Tất cả các xã xung quanh tỉnh lộ 330 đều bị cô lập hoàn toàn.
Ông Nguyễn Công Quyền cho biết thêm, khu vực thị trấn Ba Chẽ là địa bàn thấp trũng nên có nguy cơ bị ngập sâu. Dự kiến chiều nay (19/7), nếu mưa không tạnh, UBND huyện sẽ có phương án di dời dân khu 3, khu 4 của thị trấn ra khỏi địa bàn để đảm bảo an toàn. Hiện hơn 300 hộ kinh doanh tại chợ trung tâm của thị trấn đã được sơ tán.
Bão số 3 tan dần, các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ có mưa lớn kéo dài 
Trưa 19/7, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết bão số 3 suy yếu và tan dần, nhưng mưa lớn ở các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ có khả năng kéo dài nhiều ngày tới, các địa phương và người dân cần chú ý theo dõi về dự báo mưa lớn. Đây là tin cuối cùng về cơn bão số 3.
Theo đó, đêm 18/7, bão số 3 đã đổ bộ vào đất liền các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Do ảnh hưởng của bão số 3, từ chiều 18 đến sáng 19/7, Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ đã có vừa đến mưa to; riêng Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-150mm, có nơi lớn hơn như Tĩnh Gia (Thanh Hóa) 151mm, Đô Lương (Nghệ An) 233mm,…; ven biển từ Thái Bình đến Hà Tĩnh đã có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9; riêng đảo Hòn Ngư có gió mạnh cấp 8, giật cấp 9.

Hồi 10 giờ ngày 19/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 19,0 độ Vĩ Bắc; 104,1 độ Kinh Đông, trên khu vực Thượng Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8. Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, suy yếu dần thành một vùng áp thấp và tan dần trên khu vực Thượng Lào.
Dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua khu vực Bắc Trung Bộ hoạt động mạnh nối với áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 3 nên ngày và đêm 19/7, khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ, các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh có mưa to đến rất to. Từ gần sáng và ngày 20/7, mưa lớn có khả năng mở rộng lên các tỉnh vùng núi phía Bắc và khu Tây Bắc Bắc Bộ. Khu vực Hà Nội ngày và đêm 19/7 có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông, có khả năng rất cao xảy ra tố, lốc và gió giật mạnh.
Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ chịu ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam đang hoạt động mạnh nên trong 2-3 ngày tới tiếp tục có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và dông, tập trung vào chiều và đêm, trong cơn dông có khả năng rất cao xảy ra tố, lốc và gió giật mạnh.
Cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn cấp 1; riêng các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái cấp 2.
Các địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3
Nghệ An đã có trên 10.548 ha lúa, 3.712 ha ngô và rau màu, 570 ha ao nuôi thủy sản và nhiều diện tích cây trồng khác bị ngập trong nước. Hiện trên địa bàn tỉnh nhiều tuyến giao thông bị ngập nước, bị sạt lở đất đá, hư hỏng không thể qua lại, nhất là các tuyến đường nội xã, nội thôn. Nhiều khu vực dân cư vẫn trong tình trạng bị chia cắt.
Sáng 19/7, ngay sau khi bão tan, mưa ngớt, công tác khắc phục hậu quả thiên tai được các ngành, địa phương và người dân trong tỉnh Nghệ An nỗ lực triển khai. Tuy nhiên ở một số địa phương trong tỉnh công tác khắc phục vẫn gặp nhiều khó khăn. Nhiều diện tích ao hồ nuôi thủy sản, đồng ruộng đang bị ngập, việc khắc phục phải chờ nước rút bớt.
Trong sáng 19/7, các đơn vị quản lý các công trình thủy lợi tỉnh Nghệ An cũng kiểm tra các cống, hồ đập, có giải pháp điều tiết, đóng mở nước hợp lý để vừa bảo đảm an toàn cho các hồ đập, vừa có thể tích trữ nước đề phòng có thể sẽ còn những đợt nắng nóng, khô hạn trong tháng 8. Một số ki ốt kinh doanh tại thị xã Cửa Lò cũng đã bắt tay vào sửa chữa, dọn dẹp để trong những ngày tới đưa vào kinh doanh trở lại. Ở các huyện Quỳnh Lưu, thị xã Cửa Lò, thị xã Hoàng Mai, một số ngư dân đã chuẩn bị ngư cụ, hậu cần để bắt đầu cho chuyến ra khơi mới.
Tại một số tuyến giao thông bị ngập nước, hư hỏng, sạt lở, ngành giao thông đã bố trí phương tiện, lực lượng để khắc phục. Đối với một số tuyến đường bị ngập lụt nặng, ngành giao thông và các địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An kiên quyết đóng đường không để người dân qua lại nhằm đảm bảo an toàn.
Tại Hà Tĩnh, ảnh hưởng của bão đã làm nhiều nhà dân ở huyện Nghi Xuân bị tốc mái, hàng ngàn héc ta lúa, hoa màu ở các huyện ngập lụt, đặc biệt là ở các huyện miền núi. Tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo các cấp chính quyền, đoàn thể phối hợp với nhân dân tập trung khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định đời sống.
Huyện Nghi Xuân chỉ đạo các đơn vị phối hợp với chính quyền xã Xuân Phổ cùng nhân dân lợp lại mái nhà và sửa lại các hạng mục bị hư hỏng của 13 ngôi nhà dân bị lốc xoáy làm tốc mái và hư hỏng. Sau khi bão tan, các cấp chính quyền huyện Nghi Xuân cũng đưa 861 người chủ yếu là người già và trẻ em của các xã vùng ven biển, vùng xung yếu đã được di dời trước bão trở về nhà.
Tại các huyện miền núi Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang nhiều diện tích lúa, hoa màu bị ngập lụt, nhân dân đã tổ chức tháo nước, tiêu úng. Hiện thủy điện Hương Sơn đang xả lũ với lưu lượng từ 10 đến 20 m3/s nên các xã vùng hạ lưu chủ động đối phó với tình trạng ngập lụt vùng ven sông, vùng trũng. Tại xã Sơn Giang và một số xã vùng ven sườn núi có 25 điểm sạt lở gần nhà dân được chính quyền tuyên truyền và chủ động di dời tránh bị sạt lở đất, đá vùi lấp.
Mưa lớn trong mấy ngày qua cũng đã làm sạt lở một số tuyến giao thông như: Quốc lộ 8A sạt lở phần ta luy dương ở đoạn Km82+300 và rải rác từ Km73 đến Km82 ở xã Sơn Kim 1 huyện Hương Sơn; lực lượng chức năng sử dụng máy xúc san, gạt đảm bảo lưu thông.
Tại Bắc Giang, Chủ tịch UBND xã Hợp Thịnh, huyện Hiệp Hòa Nguyễn Văn Thăng cho biết vào chiều 18/7 mưa to, gió mạnh đã gây thiệt hại về người, tài sản ở các thôn và một số doanh nghiệp trong Cụm công nghiệp Hợp Thịnh.
Thống kê thiệt hại tính đến 18 giờ ngày 18/7, Công ty cổ phần gạch tuynel Hòa Sơn (Cụm công nghiệp Hợp Thịnh) có 2 dãy nhà xưởng và gạch đổ sập hoàn toàn, toàn bộ đường điện bị đứt, ước thiệt hại khoảng 7 tỷ đồng. Công ty có 1 công nhân tử vong và 2 công nhân bị thương nặng. Người tử vong là chị Hoàng Thị Quy (sinh năm 1969, ở thôn Hà Nội, xã Đại Thành); 2 người bị thương nặng là Ngô Thị Tiến (sinh năm 1973) và Nguyễn Thị Thuần (sinh năm 1974), đều có hộ khẩu thường trú tại thôn Đa Hội, xã Hợp Thịnh, huyện Hiệp Hòa. Hai người bị thương đã được chuyển đến Bệnh viện Việt – Đức để cấp cứu. Còn Công ty Ngọc Việt bị tốc mái tôn dãy nhà xưởng.
Đến 19 giờ 30 phút ngày 18/7, các thôn trên địa bàn xã Hợp Thịnh đã có nhiều thiệt hại về tài sản gồm 1.735 m2 mái nhà bị tốc; đổ 485 m tường rào; sập hoàn toàn 1 công trình phụ; đổ 60 cây phân tán. Trong đó, ở thôn Ninh Tào có 290 m2 mái nhà bị tốc, sập một số công trình phụ. Ở thôn Trung Tâm có 21 hộ bị thiệt hại, trong đó 5 hộ bị tốc mái nhà ở chính; 16 hộ có trang trại và gia trại bị tốc mái; ngoài ra có 450 m2 tường rào, 60 cây phân tán bị đổ…
Lãnh đạo huyện đã đến thăm hỏi, động viên các gia đình có người bị chết, bị thương do thiên tai; hỗ trợ gia đình nạn nhân tử vong 5,4 triệu đồng; đồng thời chỉ đạo các ngành chức năng ở địa phương tích cực hỗ trợ xã Hợp Thịnh khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai.
Hà Tĩnh: Lốc xoáy làm 13 nhà dân bị tốc mái
Tại tỉnh Hà Tĩnh do ảnh hưởng của cơn bão số 3, nên từ chiều 18/7, đã có mưa vừa đến mưa rất to. Vào khoảng 19 giờ cùng ngày tại xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân, đã xuất hiện mưa to, gió lốc làm tốc mái của 13 hộ dân tại xóm 2 của xã này.
Trong đó, tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu các địa phương, đơn vị khẩn trương triển khai phương án sơ tán dân vùng ven biển đến nơi an toàn. Tại huyện Nghi Xuân, công tác di dời dân cũng đã được triển khai một cách nghiêm túc. Theo công điện chỉ đạo của UBND tỉnh Hà Tĩnh tại 6 xã ven biển cũng đã đưa nhân dân đến nơi tránh trú an toàn.
Tại tỉnh Hà Tĩnh, sau nhiều ngày mưa lớn đã làm cho tuyến Quốc lộ 8A đi Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo bị sạt lở. Hàng chục m3 đất, đá bị đổ xuống đường gây ách tắc cục bộ tại 5 địa điểm trên tuyến Quốc lộ này.
TIN BÃO KHẨN CẤP CƠN BÃO SỐ 03 LÚC 23H
Do ảnh hưởng của bão số 3, từ chiều và tối nay ở Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh đã có mưa to đến rất to (50-100mm), ở Thái Bình đã có gió giật cấp 7, ở đảo Hòn Ngư gió giật cấp 7, trên đất liền ven biển các tỉnh Bắc Trung Bộ có gió giật cấp 6.
Hồi 22 giờ ngày 18/07, vị trí tâm bão ởvào khoảng 18,8 độ Vĩ Bắc; 106,4 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km; trong đêm nay (18/7), vùng tâm bão với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực ven biển các tỉnh từ Thái Bình đến Hà Tĩnh,sau đó bão sẽ đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 10 giờ ngày 19/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 18,9 độ Vĩ Bắc; 103,5 độ Kinh Đông, trên đất liền khu vực Trung Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 7.
Dự báo trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20-25 km và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Thượng Lào.
Do ảnh hưởng của bão, ở vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, giật cấp 10, sóng biển cao 3-5m; biển động mạnh. Vùng ven biển đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có sóng biển cao 2-3m; biển động mạnh.

Trên đất liền các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh, Quảng Bình có gió mạnh dần lên cấp 6, sau tăng lên cấp 7, giật cấp 9; riêng Nam Thanh Hóa, Nghệ An, Bắc Hà Tĩnh có gió bão mạnh cấp 7-8, giật cấp 10.
Cấp độ rủi ro thiên tai do bão: cấp 3.
Ở các tỉnh đồng bằng và trung du Bắc Bộ, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình có mưa rất to và kéo dài đến khoảng ngày 20/7 (lượng mưa phổ biến 100-300mm/đợt, có nơi trên 350mm).
Cảnh báo: Từ nay đến ngày 20/7, trên thượng lưu hệ thống sông Hồng – Thái Bình, sông Hoàng Long, các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Bình sẽ xuất hiện 1 đợt lũ. Biên độ lũ lên trên các sông như sau: thượng lưu sông Hồng – Thái Bình từ 2-4m; sông Hoàng Long từ 1-2m; các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Bình từ 3-5m. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên sông Đà lên mức BĐ1; sông Thao, sông Lô, sông Hoàng Long và các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình lên mức BĐ1-BĐ2, riêng sông Bưởi (Thanh Hoá), sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố (Hà Tĩnh) lên mức BĐ2-BĐ3.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, lũ quét, sạt lở đất: cấp 2.
Bản tin tiếp theo phát lúc 02h30 ngày 19/7.
Tin phát lúc: 23h00
Tin bão mới nhất từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia
Do ảnh hưởng của bão số 3, từ chiều và tối nay ở Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh đã có mưa vừa đến mưa to (30-70mm), ở Thái Bình đã có gió giật cấp 6, ở Hoành Sơn có gió giật cấp 10, ở đảo Hòn Ngư gió giật cấp 7.
Hồi 20 giờ ngày 18/07, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,7 độ Vĩ Bắc; 106,6 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11.

Dự báo trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20-25 km và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Thượng Lào.

Do ảnh hưởng của bão, ở vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8-9, giật cấp 11, sóng biển cao 3-5m; biển động rất mạnh. Vùng ven biển đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có nước biển dâng trên nền thủy triều khoảng 0,5-0,7m; sóng biển cao 2-4m;  biển động rất mạnh.
Trên đất liền các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh, Quảng Bình có gió mạnh dần lên cấp 6, sau tăng lên cấp 7, giật cấp 9;  riêng Nam Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh có gió bão mạnh cấp 8, giật cấp 11.

Call Now Button